Nghiên cứu trên 270.000 người cho thấy, những người ăn nhiều muối sẽ tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày.
Hiện 1 người trưởng thành tiêu thụ 9,4 g muối/ngày, trong khi khuyến cáo của WHO là dưới 5 g/ngày.
TS Nghiêm Nguyệt Thu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mối liên quan giữa lượng muối trong khẩu phần với sự gia tăng nguy cơ của ung thư dạ dày đã được biết đến từ lâu.
Khoảng 70% bệnh nhân ung thư dạ dày bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (vi khuẩn HP). Loại vi khuẩn này gây nên viêm mạn tính ở dạ dày và tạo thành những ổ loét, dẫn tới ung thư hóa.
Khi ăn nhiều muối, muối sẽ khiến vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn, do đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Muối đồng thời còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.
“Nghiên cứu của tác giả D’Elia và cộng sự trên 270.000 người và theo dõi trong 6-15 năm cho thấy, những người ăn nhiều muối tăng 68% nguy cơ ung thư dạ dày so với những người ăn ít muối hơn. Một nghiên cứu khác còn tìm thấy rằng với mỗi gram muối ăn thêm mỗi ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày tăng thêm 8%”, TS Thu dẫn chứng.
Do đó TS Thu khuyến cáo, những người đã có nguy cơ về ung thư dạ dày cần xem lại lượng muối ăn hàng ngày của mình cẩn thận, tránh những thực phẩm chứa nhiều muối.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, muối nạp vào cơ thể từ 2 nguồn tự nhiên trong thực phẩm và nguồn bổ sung.
Trong đó, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta từ muối tinh, bột canh, nước mắm, mì chính, hạt nêm; 11% muối từ thực phẩm chế biến sẵn; chỉ có 7% từ thực phẩm tự nhiên.
Theo số liệu của WHO, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 (chiếm 10%), sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). Tỉ lệ tử vong lớn do 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.
Nếu xét trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ có số liệu khảo sát, ung thư dạ dày của Việt Nam đang xếp vị trí 14, với tỉ lệ 10,2/100.000 dân. Hàn Quốc xếp số 1 với tỉ lệ 23,5/100.000 dân, Nhật Bản ở vị trí số 3, tỉ lệ 16, với tỉ lệ 12,3/100.000 dân, Trung Quốc xếp vị trí thứ 8.
BS Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, đến nay ung thư dạ dày vẫn chưa rõ nguyên nhân, khoa học mới tìm ra những yếu tố thuận lợi. Trong đó khoảng 70% trường hợp mắc ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP; 10% ung thư dạ dày do di truyền khi người thân trong gia đình mắc bệnh.
Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm, hiện 80% người Việt nhiễm loại vi khuẩn này, đó là lý do vì sao nhiều trẻ em cũng mắc HP, dẫn tới ung thư dạ dày.
Tại BV K, bác sĩ đã phải cắt bỏ 2/3 dạ dày cho bệnh nhi mới 13 tuổi mắc ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP. Trước khi đến viện, bệnh nhi đã có thời gian dài bị viêm loét dạ dày.
Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày thường khó phát hiện. Những bệnh nhân phát hiện bệnh sớm thường qua khám định kỳ. Còn khi có triệu chứng, bệnh đã nặng.
Do đó, cách phát hiện tốt nhất của ung thư dạ dày đó là nội soi ống mềm. Bác sĩ khuyến cáo, những người trên 40 tuổi nên thực hiện nôi soi dạ dày mỗi năm 1 lần. Những người nằm trong yếu tố nguy cơ cao như gia đình có tiền sử, nhiễm vi khuẩn HP thì từ trên 30 tuổi nên thăm khám dạ dày hàng năm từ 1-2 lần.
/Theo Vietnamnet